Được trang hoàng bằng tranh, thơ và những vảy rồng lấp lánh, 18 nhịp thép vẫn im lìm vắt ngang sông Hồng hôm nay bỗng sống động như một dòng thời gian, tái hiện những câu chuyện vui buồn của hơn 100 năm lịch sử.
Diễn ra trong hai ngày 10 và 11/10, festival Ký ức cầu Long Biên, do Ngôi nhà Nghệ thuật tổ chức, là một trong những chương trình chào mừng 999 năm Thăng Long - Hà Nội. Với ý tưởng lãng mạn và đầy tham vọng - gợi lại những ký ức đã gắn liền với cây cầu trải dài 3 thế kỷ - hàng loạt hoạt động văn hóa đã diễn ra trên lòng cầu như: trải tranh, giăng thơ, giới thiệu ảnh tư liệu, trình diễn nghệ thuật cổ truyền...

|
Cầu Long Biên đông úc và rực rỡ trong ngày hội. Ảnh: Hoàng Hà. |
Nhưng sống động, tươi mới và đầy cảm xúc hơn tất cả là ký ức của người dân đã sống và gắn bó với cây cầu có từ thời thuộc Pháp. Họ, những người dân nghèo, vẫn ngày ngày hối hả chạy xe qua lại trên cầu. Nhưng hôm nay, họ đến, tươm tất, thong dong tản bộ, ngắm từng nhịp dẫn, từng trụ cầu, từng chiếc đinh tán. Đều là người Vĩnh Phúc nhưng vào bộ đội và từng chiến đấu ở Hà Nội thời chống Mỹ, bác Duy Cẩn và Vũ Chí đến ngày hội từ sáng sớm, ăn mặc chỉnh tề, mang theo một chiếc máy ảnh kiểu cũ. Hai bác thay phiên chụp ảnh cầu, chụp ảnh cho nhau, bức nào cũng một tư thế nghiêm trang - cái tư thế đã thành thói quen từ những ngày còn chiến đấu. Chia sẻ với VnExpress.net, bác Duy Cẩn nói: "Bây giờ có nhà cửa chọc trời, có cầu Chương Dương bên cạnh, cầu Long Biên như nhỏ lại, chứ ngày xưa nó như là kỳ quan, kiêu hãnh lắm. Nó là cây cầu đầu tiên ở Hà Nội, nó lớn nhất Đông Dương mà". Bác nói rằng, bác tự hào lắm, và hai hôm trước, bác cũng đã đến đây rồi. Bác gọi cầu Long Biên là "nó" một cách trìu mến, không như cách người ta gọi một khối sắt mà là để gọi một sinh thể.
Yêu cây cầu theo một cách khác, bác Đoàn Thị Xuân (70 tuổi, Tập thể Quân Đội) và Đoàn Thị Hương (65 tuổi, Hàng Than) còn có niềm kiêu hãnh thầm kín của những người Hà Nội gốc. Thế nên trong tình yêu của họ, có chút nuối tiếc những nét đẹp ngày xưa. "Trai thanh gái lịch bây giờ hay ra cầu chụp ảnh. Ngày xưa làm gì có nhiều máy ảnh. Nhưng tôi nhớ các cô gái tân thời cũng thường đạp xe trên cầu. Họ ăn mặc thanh lịch lắm, áo dài, áo phin nõn, thắt lưng dải yếm rồi đòn gánh hàng hoa cong vút. Tôi không thấy người ta dựng lại những cảnh này trong ngày hội hôm nay", bà Xuân nhớ lại.
Khánh thành năm 1902, cầu Long Biên (tên ban đầu là Doumer, gọi theo tên Toàn quyền Đông Dương - Paul Doumer) là công trình kết hợp giữa sự sáng tạo, kỹ thuật của người Pháp và sự khéo léo, kiên cường của những người thợ Việt Nam. Với kết cấu sắt, thép, cầu Long Biên được ví như là "tháp Eiffel ngả mình trên sông Hồng", là lưới mắt cá thả xuống dòng sông, là những đợt sóng dồn... Lúc bấy giờ, đây là cây cầu lớn nhất Đông Dương và là một trong 4 cây cầu đồ sộ nhất thế giới. Nhưng không mang niềm tự hào đó dài lâu, như một công cụ được xây dựng trước hết bởi mục đích khai thác thuộc địa, cây cầu sớm phải oằn mình chịu những vết thương chiến tranh. Hàng chục lần bị bom Mỹ đánh phá, 3-4 lần cầu Long Biên gãy nhịp. Bao nhiêu nhịp gãy là bấy nhiêu lần người Hà Nội khí khái chứng tỏ tinh thần hiên ngang, bất khuất.
Hôm nay, dọc theo thành cầu, Ban tổ chức dựng lại hình ảnh tư liệu việc khôi phục những nhịp cầu đổ nát trong chiến tranh. Có một người đàn ông, ăn mặc tuềnh toàng, đạp chiếc xe cũ kỹ, say mê xem các bức hình. Với dáng vẻ đó, anh khiến người khác ngạc nhiên, khi những bức tranh, bài báo, hoàn toàn bằng tiếng Pháp, lại được anh giải thích rành rọt. "Tôi không biết tiếng Pháp. Nhưng tôi là công nhân duy tu cầu hồi chống Mỹ", anh nói. Anh tên là Nguyễn Văn Lợi ở Công ty Cầu 5. Anh Lợi kể: "Hồi đó, cầu 3-4 lần sập. Mỹ cứ dội bom, ta lại khôi phục. Chúng tôi chủ yếu làm đêm, làm trong bom đạn. Cứ hễ nghe 'máy bay địch cách Hà Nội 50 km' là lại tắt đèn. Chúng đi, lại lên đèn làm tiếp. Đã có người chết bom, có người chết vì tai nạn với cây cầu. Hồi đó chúng tôi vất vả nhưng tự hào lắm. Những lúc hoàn thành, anh em công nhân lại được công ty Bách hóa mang lương thực chiêu đãi tận nơi". Nói rồi, anh lại lặng lẽ mâm mê từng chiếc đinh tán mà anh khen là "kinh khủng, chẳng hề hấn gì suốt hơn trăm năm qua".
Hơn 30 năm sau chiến tranh, cây cầu vẫn còn đó, nhưng với đầy vết tích. Trên những nhịp cầu đã gãy vì đạn bom, hôm nay, quốc kỳ của nhiều quốc gia tung bay trong ngày hội. Đoạn cầu đó là biểu hiện cho những ký ức đau thương, nhưng cũng là mong ước hòa bình vẫn luôn cháy bỏng của người dân Hà Nội, Việt Nam.
Năm 1902, trong lễ khánh thành, toàn quyền Paul Doumer cùng vua Thành Thái và quan khách các nước Đông Dương đã ngồi xe lửa, chạy từ ga Hàng Cỏ qua cầu. Hôm nay, cũng có một đoàn tàu cổ chở quan chức Hà Nội và các vị đại sứ từ ga Gia Lâm sang đầu cầu Hà Nội. Họ xuống tàu, hòa cùng người dân đi bộ chen chúc trên cây cầu, giữa cờ, quạt và bóng bay, biểu ngữ. Xen giữa dòng người đông đúc, một vị khách nước ngoài mồ hôi đầm đìa, vừa ve vẩy quạt vừa tranh thủ hỏi chuyện người phiên dịch đi bên cạnh. Khi được hỏi cảm giác của mình về ngày lễ, bà đáp gọn lỏn: "Hot" (Nóng). Nhưng rồi, vị khách ấy nói thêm: "Tôi nghĩ, ở đâu đó, ông Paul Doumer hẳn rất hối hận. Đáng lẽ ông phải cho xây lòng cầu rộng hơn. Bạn thấy không, hôm nay, cầu quá hẹp so với tình yêu của người dân Hà Nội".
Được chuẩn bị từ nhiều năm qua, festival Ký ức cầu Long Biên 2009 là thử nghiệm đầu tiên để sẽ được tiếp tục vào năm sau, trong ngày đại lễ. Chia sẻ về ngày hội, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội cho biết: "Tôi hiểu rằng, hoạt động này đã tạo nên một không gian, nơi nghệ thuật được đưa ra ngoài trời, chứ không chỉ giới hạn trong nhà, trong khán phòng quây kín. Ở đây, ranh giới giữa nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên bị xóa nhòa, nhường chỗ cho những sáng tạo và thưởng thức của cả cộng đồng. Xét cho cùng, dù đẹp đến đâu, cây cầu cũng chỉ là một công trình kiến trúc. Chính con người và nghệ thuật sẽ làm cho nó có sức sống".
Với ý nghĩa đó, ít nhất, ngày hội đã khơi dậy những ký ức và tình yêu với cây cầu lịch sử. Một tình yêu mà ở giữa niềm vui, họ vẫn lo sợ. "Nếu một ngày, cây cầu quá yếu, không đủ sức chở người được nữa, tôi cũng mong người ta đừng phá bỏ. Cũng xin đừng xây hay sơn lại. Bao giờ cho đến ngày xưa. Hãy để cầu Long Biên hiện diện như một chứng tích, đừng sơn lại màu thời gian", bà Đoàn Thị Hương nói.
Thăng Long sắp bước vào 1.000 năm tuổi. Trong khi Thủ đô chưa đủ sức để xây dựng những công trình to lớn, tầm vóc, dường như người Hà Nội biết hài lòng với những gì đã có, đã gắn bó với tâm hồn và cuộc sống thường ngày của họ.