Việc trượt điểm diễn ra sau khi chỉ số chứng khoán Dow Jones tại New York rớt giá ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Chỉ số FTSE 100 của London giảm 1,6% với chứng khoán công nghiệp khoáng và mỏ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Các thị trường Pháp và Đức cũng mất nhiều điểm. Tại châu Á, chỉ số Nikkei của Nhật Bản đóng cửa thấp hơn 6,8% và chỉ số chính của thị trường Hồng Kông sút giảm hơn 4%. Chỉ số FTSE 100 giảm 63,13 điểm tại mức 3.942,5 điểm sau khi rơi 5% vào ngày thứ Tư. Chỉ số Dax của Đức mất 3,4%, trong khi chỉ số Cac 40 của Pháp để rơi 2,8%. Chứng khoán công nghiệp khoáng, mỏ nằm trong số các nhóm mất nhiều điểm nhất do các lo sợ cầu về thép và các nguyên liệu khác sẽ bị ảnh hưởng khi kinh tế tăng trưởng chậm lại. Nhà khổng lồ về thép Arcelor-Mittal mất 6% trong khi hãng Vedana Resources mất gần 10%. Mọi người đang cố tìm kiếm một cái gì đó tích cực, nhưng hiện không có cái gì tích cực cả. Miles Remington, BNP Paribas Securities Tương tự, giá dầu giảm trong năm ngày liên tiếp với mức hiện tại là 50 đôla một thùng. Các chỉ số cho thấy xuất khẩu của Nhật Bản ở châu Á giảm sút trong tháng 10 lần đầu tiên kể từ năm 2002, làm tăng thêm các lo sợ về quy mô suy thoái kinh tế. Hôm thứ Tư, chỉ số Dow Jones giảm 5% xuống mức thấp hơn 8.000 điểm sau khi Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm 2009. Viễn kiến chán nản Phóng viên Duncan Bartlett của BBC tại Tokyo nói nhiều quốc gia Đông Á - trong đó có Nhật Bản, Singapore và Hồng Kông - đã lâm vào suy thoái và riêng việc nghĩ tới kinh tế Hoa Kỳ sắp gia nhập vào các nước suy thoái đã đủ làm cho giá cổ phiếu 'lộn nhào' trong khu vực. Các thông tín viên BBC cho biết thêm các tin xấu từ Hoa Kỳ đã làm nhiều hãng của Nhật Bản lo lắng như Tokyo và Nintendo, các hãng thường có lợi nhuận lệ thuộc vào người tiêu thụ ở Mỹ. Miles Remington, người phụ trách kinh doanh với châu Á của BNP Paribas Securies tại Hồng Kông nói với hãng tin AP: "Chúng tôi đang trải qua một giai đoạn tâm trạng xấu." "Mọi người đang cố tìm kiếm một cái gì đó tích cực, nhưng hiện không có cái gì tích cực cả. Tất cả dường như đều thống nhất với nhau trong một viễn kiến toàn cầu đầy chán nản. Dù là nguyên liệu hay cổ phiếu, mọi thứ đều bị rớt giá." Hoa Kỳ chậm lại Hôm thứ Tư, Cục Dự trữ Liên Bang Hoa Kỳ nói tổng sản phẩm quốc nội của nước này - là giá trị của tất cả các hàng hoá và dịch vụ - có thể không tăng hoặc tăng chỉ ở ngưỡng giới hạn trong năm nay, và có thể chậm lại vào năm 2009. Cơ quan này cũng nói tăng trưởng kinh tế dương chỉ có thể trở lại vào năm 2010 và dự báo việc cắt giảm lãi suất ở mức nhiều hơn nữa có thể là cần thiết. Chỉ số giá tiêu thụ so sánh theo tháng giảm 1% vào tháng Mười - mức giảm nhiều nhất trong 60 năm qua, điều củng cố thêm các lo sợ về việc kinh tế Hoa Kỳ nhanh chóng chậm lại đà tăng trưởng.