Menu trái
Liên kết website
Tra cứu từ điển
 
Thống kê truy cập
Tổng số truy cập: 1.366.753
Hôm nay: 142
Đang xem: 132
Hoạt động của đồng chí Võ Văn Kiệt ở Bạc Liêu (20/09/2011)
Ủng hộ nông dân “xé rào”

Tháng 1/1947, để tăng cường sự chỉ đạo của Quận ủy Phước Long, Tỉnh ủy Rạch Giá chỉ định đồng chí Võ Văn Kiệt về làm Bí thư Quận ủy Phước Long, thay đồng chí Trần Hồng Dân đã hy sinh. Tháng 6/1947, đồng chí Võ Văn Kiệt được rút về làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Rạch Giá, sau đó được điều về làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu.

Đầu năm 1949, đặc phái viên Trung ương vào Nam Bộ phổ biến chủ trương bao vây, phong tỏa, tẩy chay kinh tế địch, nhằm phá âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của thực dân Pháp. Thực hiện chủ trương trên, tháng 3/1949, Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh ra lệnh cấm bán lúa gạo, heo, gà, vịt, tôm, cá,... từ vùng giải phóng ra vùng địch tạm chiếm, ngược lại không được mua các loại hàng hóa nhu yếu phẩm từ thành đem vào vùng giải phóng. Điều đó dẫn đến tình trạng ứ đọng hàng nông sản ở vùng giải phóng, đồng thời thiếu thốn các mặt hàng như: vải vóc, xăng dầu, thuốc men chữa bệnh, thậm chí cây kim, sợi chỉ,...

Các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nông dân không đồng tình với chủ trương này. Người dân lén lút chở hàng ra thành giao thương mua bán, mặc cho chính quyền địa phương đưa công an, du kích ngăn chặn bắt giam, tịch thu hàng hóa, nhưng vẫn không ngăn chặn được tình trạng “nhảy dù”. Mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân không còn gắn bó như xưa. Ngay trong nội bộ lãnh đạo cũng xảy ra mâu thuẫn giữa một bên đồng tình và một bên không đồng tình chủ trương của Trung ương.

Sau khi xem xét lợi hại nhiều mặt, đồng chí Võ Văn Kiệt bàn với Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh, cho phép huyện Giá Rai tổ chức thực hiện thí điểm giao lưu kinh tế giữa hai vùng. Kết quả: toàn bộ nông sản hàng hóa ứ đọng được tiêu thụ, nông dân mang về nhiều loại nhu yếu phẩm để tiêu dùng. Đời sống đồng bào vùng giải phóng Giá Rai được cải thiện rõ rệt, chợ búa sung túc. Nông dân phấn khởi, ngân sách huyện tăng lên nhiều lần. Kinh nghiệm của Giá Rai được nhân ra toàn tỉnh Bạc Liêu, đời sống người dân vùng giải phóng được thay đổi hẳn.

Chỉ đạo thành công cải cách ruộng đất ở Bạc Liêu

Năm 1950, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu bầu đồng chí Võ Văn Kiệt làm đại biểu chính thức về Việt Bắc dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Đại hội diễn ra từ ngày 1 – 19/1/1951. Trong thời gian này, ông đã tiếp cận nhiều đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, đặc biệt là học tập phong cách làm việc của Bác Hồ. Sau đại hội, đồng chí Võ Văn Kiệt được phân công ở lại dự khóa học chính trị do Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương mở (khóa III). Đầu năm 1952, đồng chí cùng đoàn cán bộ miền Nam và cán bộ chi viện của Trung ương vượt Trường Sơn về Nam.

 


15/5/1953, Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu tiến hành Đại hội Đại biểu lần thứ III, tại ấp Đất Sét, xã Phú Mỹ, huyện Ngọc Hiển, đồng chí Võ Văn Kiệt được phân công trình bày trước đại hội tinh thần và nội dung Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng và tiếp tục làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Chính trị viên Tỉnh Đội. Đồng chí Ung Văn Khiêm– Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Võ Văn Kiệt, đặc biệt theo dõi sát sao đợt cải cách ruộng đất năm 1953 ở Bạc Liêu. Nhờ đó, kịp thời uốn nắn lệch lạc ở một vài địa phương có việc làm quá đáng như đưa một số địa chủ vùng giải phóng ra trước nông dân đấu tố rập khuôn theo kiểu miền Bắc. Đồng thời, nhắc nhở đảng viên phải nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương của Trung ương Cục miền Nam trong cải cách ruộng đất.

Đợt cải cách ruộng đất ở Bạc Liêu đã nhờ vậy giữ vững được sự đoàn kết của các tầng lớp, các giai cấp ở vùng giải phóng, tập trung mục tiêu kháng chiến chống Pháp; đẩy mạnh việc xây dựng vùng giải phóng phát triển về mọi mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục,... Vùng giải phóng Bạc Liêu lúc ấy thật sự mới với chế độ mới: chế độ cách mạng kháng chiến.

“Bạc Liêu là quê hương thứ hai của tôi”

 

Huyện Phước Long (Bạc Liêu) đúc tượng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Tượng có chiều cao 70cm, chiều ngang 65cm, được thực hiện bằng chất liệu composite nhũ sơn giả đồng, do họa sĩ Hứa Văn Chiến- Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long sáng tác và tạo mẫu. Theo Huyện ủy Phước Long, từ mẫu sáng tác của họa sĩ Hứa Văn Chiến sẽ nhân bản ra 2 bức tượng, một bức đặt tại Nhà truyền thống của huyện, một bức đặt tại Văn phòng Huyện ủy.

Đây là một trong những việc làm nhằm kỷ niệm 88 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922– 23/11/2010) và cũng để thể hiện tình cảm, tấm lòng của nhân dân, Đảng bộ huyện Phước Long (Bạc Liêu)- vùng đất mà ông đã gắn bó nhiều năm liền trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.

NGỌC TRẢNG


Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Võ Văn Kiệt, đợt tấn công từ tháng 2– 5/1954, phối hợp với chiến trường chính, quân dân Bạc Liêu đã tích cực, chủ động bám sát địch mà đánh, san bằng hàng loạt đồn bót, bức rút, bức hàng nhiều tháp canh dọc QL 4. Toàn bộ đồn bót Pháp đóng ở nông thôn Bạc Liêu đều rút chạy.

6/4/1954, Bộ Chính trị quyết định giải thể Trung ương Cục miền Nam, lập Xứ ủy Nam Bộ do đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư. Đồng chí Võ Văn Kiệt làm Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, bổ sung Xứ ủy viên dự khuyết. Tiếp đó, Xứ ủy Nam Bộ chia làm 3 liên tỉnh: miền Tây, miền Trung và miền Đông. Liên Tỉnh ủy miền Tây do đồng chí Phạm Thái Bường làm Bí thư, đồng chí Võ Văn Kiệt là Phó Bí thư.

Cuối năm 1957, đồng chí Võ Văn Kiệt bố trí đưa đồng chí Lê Duẩn từ Cà Mau về Bến Tre, Xứ ủy bố trí đón Lê Duẩn rồi đưa lên Sài Gòn. Tại Sài Gòn, đồng chí Lê Duẩn đã hoàn thành dự thảo “Đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam”. Cuối năm 1959, đồng chí Võ Văn Kiệt được Xứ ủy điều về làm Phó Bí thư Sài Gòn- Chợ Lớn.

Hơn 10 năm gắn bó với chiến trường Tây Nam Bộ, đặc biệt là vùng đất Bạc Liêu, đồng chí Võ Văn Kiệt đã để lại trong lòng nhân dân và Đảng bộ Bạc Liêu nhiều tình cảm, ấn tượng sâu đậm về một nhà lãnh đạo mẫu mực. Ông cũng thường nói rằng: “Bạc Liêu là quê hương thứ hai của tôi”. Tình cảm đó bền chặt và đã theo ông đến suốt cuộc đời.

Có câu chuyện cảm động minh họa cho tình cảm đó. Năm 1994, khi làm Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Võ Văn Kiệt rất quan tâm đến Bạc Liêu, đặc biệt là huyện vùng sâu, đời sống người dân rất nghèo trong khi trang thiết bị y tế phục vụ việc khám chữa bệnh lại vô cùng thiếu thốn. Ông đã hỗ trợ 500 triệu đồng xây dựng khu cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Hồng Dân. Sau đó, vào dịp đi công tác nước ngoài, ông được tặng một máy siêu âm và cứ phân vân trước quyết định tặng chiếc máy này cho một trong hai nơi là Vũng Liêm hoặc Hồng Dân. Cuối cùng, ông quyết định tặng máy siêu âm đó cho huyện Hồng Dân.

Còn một điều nữa, từ trong sâu thẳm trái tim, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn hướng về Bạc Liêu là vì ở đó, người con trai của ông là đồng chí Võ Dũng- công tác tại đội phòng thủ Khu ủy Khu 9- trong một cuộc chống càn đã hy sinh tại xã Ninh Thạnh Lợi (Hồng Dân) năm 1961.

Nguồn: BacLieu online - Ngọc Trăng

 
Các tin khác
NHẬN XÉT BẠN ĐỌC
(Chưa có ý kiến nào được viết)
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hóa, Thông tin,Thể Thao và Du lịch
Bản quyền thuộc: Thư viện tỉnh Bạc Liêu. Địa chỉ: Khu Trung Tâm Hành Chính tỉnh. phường 1 TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Tel: 84-0291.6558278;
Giấy phép đăng ký số: 222/GP-TTĐT
 Email: thuvienbl@yahoo.com.vn
Website: http://www.thuvienbaclieu.org.vn
-----------------------------------