Menu trái
Liên kết website
Tra cứu từ điển
 
Thống kê truy cập
Tổng số truy cập: 1.512.156
Hôm nay: 485
Đang xem: 49
Sinh hoạt Pháp luật ngày 9 tháng 12 năm 2021 (13/12/2021)

Chuyên đề 1: 

Ngày 27/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Nghị định số 81/2021/NĐ-CP áp dụng đối với trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh (sau đây gọi chung là người học) đang học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp; các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo đó, ngoài việc quy định khung học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; mức trần học phí đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học năm học 2021 - 2022, 2022 - 2023… Nghị định còn quy định cụ thể những đối tượng được miễn, giảm học phí như sau:

02 đối tượng không phải đóng học phí gồm: Học sinh tiểu học trường công lập; Người theo học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục đại học, các ngành chuyên môn đặc thù do Thủ tướng Chính phủ quy định.

19 đối tượng được miễn học phí gồm:

(1) Các đối tượng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng nếu đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

(2) Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên khuyết tật.

(3) Trẻ em học mẫu giáo và học sinh dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng và người từ 16 tuổi đến 22 tuổi đang học phổ thông, giáo dục đại học văn bằng thứ nhất thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Người học các trình độ trung cấp, cao đẳng mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

(4) Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

(5) Trẻ em mầm non 05 tuổi ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

(6) Trẻ em mầm non 05 tuổi không thuộc đối tượng quy định tại mục (5) được miễn học phí từ năm học 2024 - 2025 (được hưởng từ ngày 01 tháng 9 năm 2024).

(7) Trẻ em mầm non và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông là con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 27/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với hạ sỹ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của hạ sỹ quan, binh sĩ tại ngũ.

 (8) Học sinh trung học cơ sở ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền được miễn học phí từ năm học 2022 - 2023 (được hưởng từ ngày 01 tháng 9 năm 2022).

(9) Học sinh trung học cơ sở không thuộc đối tượng quy định tại mục (8) được miễn học phí từ năm học 2025 - 2026 (được hưởng từ ngày 01 tháng 9 năm 2025).

(10) Học sinh, sinh viên hệ cử tuyển (kể cả học sinh cử tuyển học nghề nội trú với thời gian đào tạo từ 3 tháng trở lên) theo quy định của Chính phủ về chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

(11) Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, khoa dự bị đại học.

(12) Học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học người dân tộc thiểu số có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

(13) Sinh viên học chuyên ngành Mác-Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.

(14) Học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh học một trong các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Giám định pháp Y, Pháp y tâm thần và Giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước.

(15) Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành của cơ quan có thẩm quyền.

(16) Người học thuộc các đối tượng của các chương trình, đề án được miễn học phí theo quy định của Chính phủ.

(17) Người tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp.

(18) Người học các trình độ trung cấp, cao đẳng, đối với các ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

(19) Người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Các ngành, nghề chuyên môn đặc thù do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Nhóm đối tượng được giảm học phí và hỗ trợ tiền đóng học phí 

Đối tượng được giảm 70% học phí gồm: Học sinh, sinh viên học các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập, tư thục có đào tạo về văn hóa - nghệ thuật bao gồm: Nhạc công kịch hát dân tộc, nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ, diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật bài chòi, biểu diễn nhạc cụ truyền thống. Học sinh, sinh viên học các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc; một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với giáo dục nghề nghiệp theo danh mục các nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định. Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số (ngoài đối tượng dân tộc thiểu số rất ít người) ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Đối tượng được giảm 50% học phí gồm: Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên là con cán bộ, công chức, viên chức, công nhân mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên. Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc diện hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Đối tượng được hỗ trợ tiền đóng học phí gồm: Học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục ở địa bàn không đủ trường công lập được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí.

Nghị định số 81/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15 tháng 10 năm 2021 và thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 và Nghị định số 145/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021./.

 

 

Chuyên đề 2: 

Cả cuộc đời hy sinh vì dân, vì nước, Chủ tịch Hồ Chí minh đã gần như quên đi những gì thuộc về bản thân. Là một Chủ tịch nước nhưng cuộc sống của Bác vô cùng giản dị và tiết kiệm, Bác không đặt ra một quyền lợi đặc biệt nào cho bản thân mà lại luôn ân cần quan tâm đến những điều rất nhỏ nhoi, bình dị của mọi người; ngay cả lúc sắp ra đi, Bác cũng đã dặn dò trong Di chúc: “ Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Tấm lòng của Bác dành cho nhân dân VN là vô bờ bến, là sự hiếm thấy ở một vị lãnh đạo cấp cao nhất nên dù bao năm nay và dù có những ai chưa từng một lần gặp Bác nhưng toàn thể nhân dân Việt Nam vẫn luôn kính trọng và dành những tình cảm đặc biệt đối với Bác. Những lời dạy và tư cách đạo đức của Bác mãi mãi là kim chỉ nam, là tấm gương cho tất cả chúng ta, dân tộc Việt Nam và cả thế giới học tập và làm theo.

Sau đây chúng ta cùng nghe qua câu chuyện nhỏ, tuy ngắn ngủi nhưng lại có sức nặng về giá trị, thấm nhuần tư tưởng đạo đức mà Bác đã gửi gắm. Đó là cơ sở để mỗi người có định hướng rõ ràng hơn và bước đi vững chãi hơn trên con đường đã lựa chọn, cả cuộc sống lẫn công việc thường ngày qua câu chuyện “Có ăn bớt phần cơm của con không

Mùa thu năm 1951, Bác đến thăm lớp chỉnh huấn chính trị toàn quân. Sau khi đọc lên những con số cụ thể về tệ nạn tham ô, lãng phí mà Ban lãnh đạo nhà trường đã báo cáo với Bác, Bác nói:

 - Các chú xem đấy, mới có từng này cán bộ mà đã tham ô, lãng phí như vậy, thử hỏi nếu cán bộ trong toàn quân, toàn quốc cũng phạm khuyết điểm như các chú ở đây thì thiệt hại cho công quỹ của Nhà nước, của nhân dân biết bao nhiêu. Ngừng một lát, Bác hỏi:

- Ở đây, những chú nào có vợ rồi, giơ tay.

Có độ một phần ba số cán bộ giơ tay.

Bác chỉ vào một đồng chí trong số những người vừa giơ tay ngồi ở hàng ghế đầu, rồi hỏi:

- Chú có bao giờ ăn bớt phần cơm của con mình không?

Đồng chí cán bộ trả lời:

- Thưa Bác, không ạ!

- Thế thì tại sao của cải của nhân dân, tiêu chuẩn của chiến sĩ hễ sểnh ra là đút vào túi?

Bác vừa nói vừa làm động tác vơ vét và đút vào cái túi vải bên mình. Bác phân tích cho mọi người thấy rõ tham ô, lãng phí là một tệ nạn, một thói xấu, nó giống như sâu mọt đục khoét của cải của nhân dân, nó làm vẩn đục chế độ tốt đẹp của chúng ta, đến đạo đức và nhân phẩm của người cán bộ đảng viên.

Hôm ấy, chúng tôi được một bài học nhớ đời. Có anh cúi mặt không dám nhìn lên Bác nữa.

Theo 117 Chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (Ban Tuyên giáo TW, Nxb. CTQG - 2007)

Nội dung câu chuyện rất ngắn, đã để lại trong lòng người đọc, người nghe biết bao suy nghĩ, trăn trở. Suy nghĩ về cách phê bình thật nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu sắc của Bác. Câu hỏi: “Chú có bao giờ ăn bớt phần cơm của con mình không?” mang thật nhiều ý nghĩa. Bố, mẹ cả cuộc đời hy sinh vì con cái, nhường cho con cái những miếng ngon nhất, những gì tốt đẹp nhất. Miếng cơm của con mình, mình không lỡ bớt phần, thì cớ sao tiền của của Nhân dân, mình lại lỡ ăn bớt, lỡ chiếm đoạt làm của riêng cho bản thân, gia đình. Bác ví như vậy cũng cho chúng ta một lời dạy về cách sống, về đạo lý làm người, đạo đức của người cách mạng.

Khi đã là một người cán bộ, công chức, viên chức thì tôi càng hiểu sâu sắc và thấm thía hơn lời dạy của Bác trong câu chuyện trên. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đang được tiếp tục thực hiện trong toàn Đảng, toàn xã hội. Mỗi cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân tự chọn cho mình cách học tập và làm theo Bác phù hợp với thực tế tình hình của mỗi cá nhân để đạt được những kết quả tốt nhất. Tôi tự nhủ cần phải nghiêm khắc hơn với chính bản thân mình dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, không bao giờ làm điều gì để hổ thẹn với lòng mình. Tự rèn luyện cho mình về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương, ý thức tiết kiệm, chống lãng phí cả về thời giờ làm việc và năng suất lao động, thực hiện tốt hơn nữa công việc của đơn vị và ngành quy định như: Nâng cao ý thức trách nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.Lời Bác luôn nhắc nhở tôi có ý thức tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ tài sản cơ quan, không tham ô, lãng phí mà phải sử dụng tài sản chung một cách hết sức tiết kiệm, hiệu quả, sử dụng tài sản chung như sử dụng chính tài sản của cá nhân mình, gia đình mình.

 
Các tin khác
NHẬN XÉT BẠN ĐỌC
(Chưa có ý kiến nào được viết)
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hóa, Thông tin,Thể Thao và Du lịch
Bản quyền thuộc: Thư viện tỉnh Bạc Liêu. Địa chỉ: Khu Trung Tâm Hành Chính tỉnh. phường 1 TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Tel: 84-0291.6558278;
Giấy phép đăng ký số: 222/GP-TTĐT
 Email: thuvienbl@yahoo.com.vn
Website: http://www.thuvienbaclieu.org.vn
-----------------------------------