Menu trái
Liên kết website
Tra cứu từ điển
 
Thống kê truy cập
Tổng số truy cập: 1.512.117
Hôm nay: 446
Đang xem: 10
Sinh hoạt Pháp luật ngày 9 tháng 01 năm 2022 (14/01/2022)

Được sự chấp thuận của BGĐ, BCHCĐ bộ phận Thư viện, hôm nay phòng Nghiệp vụ và phòng Công tác bạn đọc tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề lồng ghép hai nội dung.

Chuyên đề 1: Một số Chính sách mới có hiệu lực từ ngày 01/01/2022

Chuyên đề 2: Đảng Bác Hồ với mùa xuân dân tộc Một số Chính sách mới có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

 

Chuyên đề Một số Chính sách mới có hiệu lực từ ngày 01/01/2022

1. Tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động

Thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động 2019, trong năm năm 2022, lao động nam được nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi 06 tháng (tăng 03 tháng so với 2021), lao động nữ được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi 08 tháng (tăng 04 tháng so với 2021).

Trường hợp sức khỏe suy giảm hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn, người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn từ 05 - 10 tuổi so với độ tuổi quy định nêu trên.

2. Tăng mức hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH

Theo Nghị định 108/2021/NĐ-CP, những người đang hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), trợ cấp hằng tháng sẽ được tăng 7,4% mức lương hưu, trợ cấp so với tháng 12/2021.

Sau khi thực hiện điều chỉnh theo mức tăng trên, nếu mức lương hưu, trợ cấp BHXH, ttrợ cấp hằng tháng vẫn thấp hơn 2,5 triệu đồng/tháng thì người nghỉ hưu trước năm 1995 được tăng thêm như sau:

- Tăng 200.000 đồng/người/tháng nếu có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/người/tháng trở xuống.

- Tăng lên bằng 2,5 triệu đồng/người/tháng nếu có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng đến dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng. 

3. Tăng mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu

Từ 01/01/2022, căn cứ Nghị định 07/2021/NĐ-CP, mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn sẽ tăng từ 700.000 lên 1,5 triệu đồng/tháng. Kéo theo đó, mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu cũng sẽ tăng.

Cụ thể, người lao động đóng BHXH tự nguyện phải trích 22% mức thu nhập mà mình chọn để đóng BHXH hằng thán. Mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu năm 2022 sẽ là 330.000 đồng/tháng, tăng 176.000 đồng/tháng so với năm 2021.

4. Tiếp tục giảm các khoản phí, lệ phí đến giữa năm 2022 do Covid-19

Đây là nội dung quy định tại Thông tư số 120/2021/TT-BTC về mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Cụ thể, kể từ 01/01/2022 đến hết ngày 30/6/2022, có tới 37 khoản phí, lệ phí được giảm từ 10 - 50% so với quy hiện hành. Trong đó, một số khoản phí, lệ phí đáng chú ý sẽ được giảm là: Lệ phí cấp Căn cước công dânhộ chiếuPhí sử dụng đường bộPhí đăng kiểm ô tô...

5. Càng xả nhiều rác, người dân càng phải đóng nhiều tiền

Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực thi hành kể từ hôm nay. Một trong những quy định đặc biệt có thể ảnh hưởng đến thói quen xả rác của nhiều người dân chính là sẽ tính phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt theo khối lượng rác mà hộ gia đình, cá nhân xả ra.

Ngoài ra, luật này cũng quy định, nếu như không phân loại rác thải sinh hoạt theo đúng quy định, hộ gia đình cũng sẽ bị từ chối thu gom, vận chuyển rác.

6. Tăng mạnh các mức phạt vi phạm giao thông

Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 100 năm 2019 sẽ tăng mức phạt với nhiều vi phạm giao thông như:

- Không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai đúng quy cách bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng (trước đây phạt từ 200.000 - 300.000 đồng);

- Không có Giấy phép lái xe máy bị phạt từ 01 - 02 triệu đồng (trước đây phạt từ 800.000 - 1,2 triệu đồng), không có Giấy phép lái xe ô tô bị phạt từ 04 - 05 triệu đồng (trước đây phạt từ 03 - 04 triệu đồng)...

7. Chính thức xử phạt ô tô không lắp camera

Theo Nghị quyết 66/NQ-CP năm 2021, Chính phủ quyết định tạm ngưng xử phạt xe kinh doanh vận tải không lắp camera đến hết ngày 31/12/2021. Từ 01/01/2022, trường hợp xe chưa lắp camera sẽ chính thức bị xử phạt.

Người điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách không lắp camera theo quy định hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe sẽ bị phạt tiền từ 01 - 02 triệu đồng theo Nghị định 100/2019.

8. Xe không đổi biển vàng bị phạt đến 8 triệu đồng

Thông tư 58/2020/TT-BCA quy định tất cả các xe đang hoạt động kinh doanh vận tải phải đổi sang biển số màu vàng trước ngày 31/12/2021. 

Theo đó, từ ngày 01/01/2022, các xe kinh doanh vận tải không đổi biển vàng sẽ bị phạt theo quy định tại Nghị định 100/2019 với mức phạt tiền từ 02 - 04 triệu đồng đối với cá nhân, từ 04 - 08 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô.

9. Thay đổi hàng loạt mức phạt vi phạm hành chính về y tế, giáo dục, hóa đơn

Ngày hôm nay, hàng loạt mức phạt vi phạm hành chính về y tế, giáo dục, hóa đơn sẽ thay đổi theo các Nghị định mới do Chính phủ ban hành:

- Nghị định 124/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và y tế.

- Nghị định 127/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

- Nghị định 102/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực thuế, hóa đơn...

10. Cấm thu tiền môi giới của người đi xuất khẩu lao động

Luật Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài 2020 với nhiều quy định về bảo vệ quyền lợi của người lao động có hiệu lực thi hành từ hôm nay.

Trong đó, luật này nghiêm cấm các hành vi: Thu tiền môi giới của người lao động; Thu tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định; Phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động; Lợi dụng việc tuyển dụng lao động để mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động…

 

Chuyên đề: ĐẢNG - BÁC HỒ VỚI MÙA XUÂN DÂN TỘC

Từ ngàn đời nay, trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt, mùa Xuân tượng trưng cho sức mạnh, sự trẻ trung và những gì tốt đẹp nhất. “Một năm bắt đầu từ mùa Xuân”, với dân tộc ta, mùa xuân không chỉ thể hiện cho sự giao mùa, sự kết thúc của một năm cũ bước sang năm mới mà mùa xuân còn gắn với nhiều sự kiện ý nghĩa. Từ mùa xuân năm 1930, cách mạng Việt Nam có cương lĩnh đúng đắn do Bác Hồ khởi thảo. Kể từ mùa xuân đầu tiên Nhân dân ta có Đảng, ngày 3-2-1930 đến nay, dân tộc ta đã có rất nhiều sự kiện lịch sử quan trọng.

Trước khi Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước, tiếp thu chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, cách mạng Việt Nam chưa tìm được hướng đi. Khi trở về Quảng Châu (Trung Quốc), Người mở các lớp huấn luyện cán bộ cách mạng, tổ chức Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) thành một Đảng thống nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa Xuân Canh Ngọ năm 1930. Con thuyền cách mạng Việt Nam đã có người cầm lái, chỉ lối vượt qua giông bão đi tới bến vinh quang. Trong thời điểm ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, Bác Hồ nói: “Tôi tin rằng Đảng ta phải dẫn dắt nhân dân ta đến thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc thân yêu”.

Mùa xuân năm 1941, sau gần 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước ở nước ngoài, Bác Hồ đã trở về Cao Bằng - mảnh đất địa đầu của Tổ quốc, cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc. Những công việc đầu tiên của Người là chỉ đạo Đảng ta thành lập Mặt trận Việt minh, tập hợp lực lượng toàn dân đứng lên để “đem sức ta mà giải phóng cho ta”; tổ chức xây dựng căn cứ địa cách mạng làm nơi đứng chân để xây dựng lực lượng, tích lũy lương thực, súng đạn, chuẩn bị tiền đề vật chất cho tổng khởi nghĩa cách mạng giành chính quyền. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ và sự đồng lòng đồng sức của Nhân dân, Tổng khởi nghĩa đã thành công. Sự thành công của Cách mạng Tháng Tám đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc ta: Kỷ nguyên của độc lập, tự do, hạnh phúc. Xuân Bính Tuất năm 1946 là mùa xuân độc lập đầu tiên của dân tộc và cũng là lần đầu tiên cả nước ta được nghe Thơ chúc Tết của Bác Hồ vào giao thừa năm 1946. Mọi người vẫn còn nhớ lời Bác nhắn gửi các chiến sĩ:

Bao giờ kháng chiến thành công

Chúng ta cùng uống một chung rượu đào.

và chúc Tết toàn thể đồng bào:

Trong năm Bính Tuất mới

Muôn việc đều tiến tới

Kiến quốc mau thành công

Kháng chiến mau thắng lợi.

Việt Nam độc lập muôn năm.

Trong bài “Mừng báo Quốc gia”, nhân Tết độc lập đầu tiên, Người đã chúc:

“Tết này mới thật Tết dân ta

Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia

Độc lập đầy vơi ba cốc rượu

Tự do vàng đỏ một rừng hoa.

Muôn nhà chào đón Xuân dân chủ,

Cả nước vui chung phúc cộng hòa”.

Cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của dân tộc ta bước sang một giai đoạn mới. Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cũng bắt đầu từ những ngày đầu mùa xuân năm 1954. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã mở đầu cho sự sụp đổ hoàn toàn của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn thế giới, chấm dứt gần 100 năm đô hộ của thực dân Pháp trên đất nước ta. Miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lâu dài và vô cùng gian khổ, dân tộc ta đã có biết bao chiến công hiển hách được ghi dấu ấn lịch sử từ những mùa xuân. Mở đầu cho những chiến công to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đó là Phong trào Đồng khởi của quân và dân Bến Tre vào mùa xuân năm 1960, tạo một bước phát triển mới quan trọng của cách mạng miền Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 tạo tiếng vang lớn làm đau đầu cả Lầu Năm Góc, báo hiệu sự sụp đổ không thể nào tránh khỏi của quân xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai.

Vào giao thừa Mậu Thân chuyển sang Kỷ Dậu (tháng 2-1969), đồng bào và chiến sĩ cả nước quây quần bên nhau chăm chú lắng nghe bài thơ chúc tết của Bác Hồ truyền qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam:

Năm qua, thắng lợi vẻ vang,

Năm nay, tiền tuyến chắc càng thắng to !

Vì độc lập, vì tự do,

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào

Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,

Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn !

Đây cũng là lần cuối cùng đồng bào cả nước được nghe thơ của Bác, lời của Người thể hiện một ý chí sắt thép, một nghị lực phi thường. Lời thơ xuân như hịch truyền cổ vũ cuộc đấu tranh cách mạng ngoan cường mà Hồ Chí Minh là ngọn cờ, là hồn thiêng sông núi.

Từ đó, hàng năm đến giao thừa, ta không còn có cái hạnh phúc được nghe giọng ấm cúng của Bác đọc thơ xuân mới nữa, nhưng âm vang hào hùng và sâu lắng trong những bài thơ Xuân của Bác vẫn còn rung động lòng ta mãnh liệt.

Cuộc tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1972, đặc biệt là chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm đó đã làm sụp đổ hoàn toàn uy lực của không lực Hoa Kỳ, buộc chúng phải ký Hiệp định Paris rút quân về nước ngày 27-1-1973. Và cuối cùng là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc vẻ vang 30 năm chiến tranh giải phóng giành độc lập, thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng trong mùa Xuân năm 1975 như một điểm hẹn lịch sử, là sự kết tinh của đường lối cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn, theo tư tưởng Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Đảng, Bác Hồ kính yêu là mùa xuân của dân tộc ta. Chủ nghĩa xã hội là mùa xuân của nhân loại, dù có phải trải qua những bước thăng trầm của lịch sử song chân lý đó vẫn mãi giữ nguyên giá trị. Mừng Đảng, mừng Xuân, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân của dân tộc Việt Nam anh hùng luôn nguyện sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại, phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, sánh vai với các cường quốc năm châu như mong ước của Người.

 

 
Các tin khác
NHẬN XÉT BẠN ĐỌC
(Chưa có ý kiến nào được viết)
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hóa, Thông tin,Thể Thao và Du lịch
Bản quyền thuộc: Thư viện tỉnh Bạc Liêu. Địa chỉ: Khu Trung Tâm Hành Chính tỉnh. phường 1 TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Tel: 84-0291.6558278;
Giấy phép đăng ký số: 222/GP-TTĐT
 Email: thuvienbl@yahoo.com.vn
Website: http://www.thuvienbaclieu.org.vn
-----------------------------------