Menu trái
Liên kết website
Tra cứu từ điển
 
Thống kê truy cập
Tổng số truy cập: 1.512.112
Hôm nay: 441
Đang xem: 5
Sinh hoạt Pháp luật ngày 9 tháng 4 năm 2022 (04/05/2022)


 

 Chuyên đề 1:

 

 

                Câu chuyện: Tấm lòng của Bác Hồ với các chiến sĩ.


Đối với chiến sĩ là những người hy sinh nhiều nhất cho dân tộc, Bác Hồ thường dành cho anh em sự chăm lo, săn sóc ân tình, chu đáo nhất.

Mùa đông, thương anh em chiến sĩ rét mướt ở rừng núi hay bưng biền, Bác đem tấm áo lụa của mình được đồng bào tặng, bán đấu giá để lấy tiền mua áo ấm gửi cho các chiến sĩ.

Bác thường nói: "Chiến sĩ còn đói khổ, tôi ăn ngon sao được!". "Chiến sĩ còn rách rưới, mình mặc thế này cũng là đẩy đủ lắm rồi!".

Mùa hè năm ấy (1967), trời Hà Nội rất nóng. Sức khỏe Bác Hồ đã kém, thần kinh tuổi già cũng suy nhược, dễ bị toát mồ hôi, ướt đầm, có ngày phải thay mấy lần quần áo, có khi hong tại chỗ, rồi lại thay ngay. Bác không cho dùng máy điều hòa nhiệt độ. Bác bảo: mùi nó hôi lắm, Bác không chịu được! (Bác không dùng nên nói vậy thôi, chứ máy đã có nút xả thơm).

Thấy trời oi bức quá, Bác nói với đồng chí Vũ Kỳ:

- Nắng nóng thế này, các chú bộ đội trực phòng không trên nóc hội trường Ba Đình thì chịu sao được? Các chú ấy có đủ nước uống không? Chú thử lên tìm hiểm xem thế nào, về cho Bác biết.

Đồng chí Vũ Kỳ lên, được biết trên đã có một tổ súng máy 14 ly 5. Ụ cát sơ sài nếu địch bắn vào thì chỉ có hy sinh, rõ nguy hiểm. Trời nắng chói đứng một lúc mà hoa cả mắt. Đồng chí Vũ Kỳ hỏi:

     Các đồng chí có nước ngọt uống không?

      Nước chè thường còn chưa có, lấy đâu ra nước ngọt!

Đồng chí Vũ Kỳ về nói lại với Bác, Bác gọi điện ngay cho đồng chí Văn Tiến Dũng:

- Sao các chú không lo đủ nước uống cho các chiến sĩ trực phòng không? Nghe nói ụ súng trên nóc hội trường Ba Đình rất sơ sài chú phải lo sửa ngay để đảm bảo an toàn cho chiến sĩ trong chiến đấu!

 

Sau đó Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ đi lấy sổ tiết kiệm của Bác, xem tiền tiết kiệm của Bác còn bao nhiêu.

Tại sao Bác có tiền tiết kiệm? Lương Bác cao nhất nước, nhưng hàng tháng cũng chỉ đủ tiêu. Mọi chi phí cho sinh hoạt của Bác, từ cái chổi lông gà, đều ghi vào lương cả.

Tiền tiết kiệm của Bác là do các báo trả luận bút cho Bác. Bác viết báo nhiều, có năm hàng trăm bài. Các báo gửi đến bao nhiêu, văn phòng đều gửi vào sổ tiết kiệm của Bác. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác cũng đã có tiền tiết kiệm. Đến dịp Tết Nguyên đán, Bác lại đem chia cho cán bộ các cơ quan chung quanh Bác, mua lợn để đón xuân.

Đồng chí Vũ Kỳ xem sổ và báo cáo:

- Thưa Bác, còn lại tất cả hơn 25.000 đồng (lúc đó là một món tiền rất lớn, tương đương với khoảng 60 lạng vàng).

Bác bảo:

      Chú chuyển ngay số tiền đó cho Bộ Tổng tham mưu và nói: đó là quà của Bác tặng để mua nước ngọt cho anh em chiến sĩ trực phòng không uống, không phải chỉ cho những chiến sĩ ở Ba Đình, mà cho tất cả các chiến sĩ đang trực chiến trên mâm pháo khắp miền Bắc. Nếu số tiền đó không đủ thì yêu cầu địa phương nào có bộ đội phòng không trực chiến góp sức vào cùng lo!

Về sau. Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân báo cáo lại cho Văn phòng Phủ Chủ tịch biết: số tiền của Bác đủ mua nước uống cho bộ đội phòng không, không quân được một tuần!

Trích trong Bác Hồ - con người và phong cách ,  Sđd. t. 1. (Vũ Kỳ kể, Trần Đức Hiếu ghi).

Bài học: Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng câu chuyện xúc động kể về tấm lòng của Bác với bộ đội vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn không chỉ cho hôm nay mà mãi mãi về sau. Qua câu chuyện thấy được tấm lòng yêu thương vô hạn của Bác Hồ đối với mọi người. Bác luôn quan tâm và chăm lo cho các chiến sĩ từng miếng ăn, giấc ngủ đến những thứ vô cùng nhỏ. Người cảm nhận sự thiếu thốn, vất vả, gian khổ của người chiến sĩ như nỗi đau của chính bản thân mình. Mùa đông, thương anh em chiến sĩ rét mướt ở vùng rừng núi hay bưng biền, Bác không ngần ngại đem tấm áo lụa của mình được đồng bào tặng, bán đấu giá để lấy tiền mua áo ấm cho chiến sĩ, đáng quý nhất đó là những đồng tiền được chắt chiu dành dụm, là mồ hôi nước mắt do chính Bác làm ra. Thể hiện tình cảm sâu sắc Bác dành cho nhân dân Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái.

     Từ câu chuyện “Tấm lòngcủa  Bác Hồ với các chiến sĩ” để lại cho chúng ta một bài học sâu sắc cho đến tận hôm nay mỗi người làm việc có ích cho xã hội cần xuất phát từ đạo đức của bản thân, chỉ có đạo đức tốt tư tưởng đẹp sẽ tạo ra hành động tốt. Mỗi chúng ta phải sống bằng sức lao động của mình, biết tiết kiệm, chống lãng phí xa hoa. Qua đó sẽ làm giàu cho bản thân, gia đình góp phần xây dựng xã hội giàu mạnh hơn. Đi đôi với thực hành tiết kiệm phải kiên quyết chống tham ô, lãng phí ngay trong bản thân, gia đình, nơi đơn vị đang công tác và trong xã hội.

 


Chuyên đề 2:      

               Câu chuyện:Bác Hồ với Ngày Quốc tế Lao động 1/5

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo đặc biệt tới giai cấp công nhân, người lao động và tổ chức Công đoàn. Bác là người đã có công lao rất to lớn giúp nhân dân ta ý thức được ý nghĩa lịch sử và tác động của việc kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Thực tế cho thấy, từ những hoạt động thực tiễn của mình, Bác đã sớm đến với Ngày Quốc tế Lao động 1/5 và Ngày 1/5 cũng sớm đến với phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam, từ đó trở thành ngày hội lớn, ngày Tết đầy ý nghĩa của nhân dân lao động cả nước.

 

- Ngày 1/5/1920, báo cáo của mật thám ghi nhận Nguyễn Ái Quốc tham dự mít tinh kỷ niệm Ngày Lao động quốc tế cùng Nhóm đảng viên Xã hội Pháp và tham luận trên diễn đàn đòi ngưng gửi người sang thuộc địa
- Ngày 1/5/1924, theo lời mời của Thành ủy Moscow và Ban Thư ký của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc tham gia và phát biểu trong cuộc mít-tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 tại Hồng trường.
- Ngày 1/5/1925, cùng với những nhà cách mạng Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc tham gia tổ chức Đại hội lần thứ Nhất của nông dân tỉnh Quảng Đông tiến tới thành lập Hội Nông dân.

- Ngày 1/5/1943, trên Báo Việt Nam Độc lập xuất bản tại Cao Bằng, đăng bài “Kỷ niệm Trần Hưng Đạo” của Bác với lời kết: “Chuyện Trần Hưng Đạo để lại cho ta một bài học: Muốn đánh quân xâm lấn nước ta cần 2 điều: Một là toàn dân đoàn kết, hai là khéo dùng lối du kích”.
Ở Việt Nam, Ngày Quốc tế Lao động đầu tiên được tổ chức vào năm 1930. Ngày 1/5/1930, lần đầu tiên trong lịch sử phong trào công nhân ở Đông Dương, giai cấp công nhân nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã biểu tình ngoài đường phố để biểu dương tình đoàn kết cách mạng với công nhân quốc tế, đồng thời đấu tranh trực diện với bọn đế quốc thực dân Pháp, đòi chúng phải cải thiện điều kiện làm việc, phải tăng lương và thực hiện luật lao động ngày làm việc 8 giờ.

Báo Người Lao Khổ - của Khu bộ Vinh - Bến Thủy mấy hôm sau, viết rằng: “Lần đầu tiên, anh em lao - nông nắm tay nhau giữa trận tiền”. Đó là điểm bắt đầu cho cả cao trào 1930 - 1931 với đỉnh cao là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước nhà được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22c NV/CC ngày 18/2/1946 về những ngày nghỉ Tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, trong đó công bố: Ngày 1/5 là một trong những ngày Lễ chính thức và công nhân, lao động cả nước được nghỉ một ngày có hưởng lương. Kể từ đây, ngày 1/5 được coi là một trong những ngày lễ chính thức hàng năm của Nhà nước ta.

- Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, ngày Quốc tế lao động 1/5 được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Hà Nội, với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời kêu gọi: “Cùng đồng bào toàn quốc! Cùng anh chị em lao động! Ngày 1 tháng 5 là một ngày Tết chung cho tất cả các nước trên thế giới. Đó là một ý nghĩa đoàn kết rất sâu xa. Ở nước ta, lần này là lần đầu tiên đồng bào ta, anh chị em lao động ta được tự do đón tiếp ngày 1 tháng 5. Vậy nên nó có ý nghĩa đặc biệt sâu xa hơn nữa. Đối với chúng ta nó là một ngày để cho thế giới biết rằng: Ngày này chẳng những là ngày Tết lao động, mà còn là ngày nhân dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”.

- Ngày 1/5/1948, Bác Hồ ra “Lời kêu gọi thi đua yêu nước”, trong đó có đoạn: “Nước ta kinh tế lạc hậu, nhưng lòng yêu nước và chí quật cường chẳng kém ai. Nay muốn tự cung tự cấp, tự túc, đi kịp người thì chúng ta phải đi mau. Vì vậy, sĩ, nông, công, thương, binh, gái trai già trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc Thi đua yêu nước, tức là tăng gia sản xuất”.

- Ngày 1/5/1951, trong lời kêu gọi nhân ngày Quốc tế Lao động, Bác Hồ xác định: “Trọng tâm thi đua là: Quân đội thi đua giết giặc lập công. Công nhân thi đua tăng gia sản xuất. Nông dân thi đua sản xuất lương thực. Trí thức thi đua sáng tác, phát minh. Cán bộ thi đua cần, kiệm, liêm, chính. Toàn dân thi đua tích cực tham gia kháng chiến”.

Cùng ngày, Báo “Nhân Dân” đăng bài “Đảng Lao động Việt Nam với lao động trí óc” của Bác với bút danh C.B., Bác nêu rõ: “Lao động trí óc cần được khuyến khích giúp đỡ phát triển tài năng... trí thức ta cần cải tạo tư tưởng và sửa đổi lề lối làm việc”.

- Ngày 1/5/1954, Báo Nhân Dân đăng bài “Mấy khuyết điểm của báo chí ta” của Bác, đi đến kết luận: “Nói tóm lại, để làm trọn nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức, hướng dẫn, thì các báo chí ta cần phải gần gũi quần chúng hơn nữa, đi sâu vào công việc thực tế hơn nữa, cách làm việc của báo chí phải cải thiện hơn nữa”.

- Ngày 1/5/1958, Bác đưa ra “Lời kêu gọi nhân Ngày Quốc tế Lao động” khẳng định: “Hôm nay, cùng với nhân dân lao động toàn thế giới, chúng ta nhiệt liệt chào mừng Ngày 1 tháng 5 trong lòng đầy tin tưởng và phấn khởi quyết tâm vượt mọi khó khăn, tiến lên làm tròn những nhiệm vụ mới... Ngày 1 tháng 5 năm nay là một ngày đoàn kết, đấu tranh, tin tưởng và phấn khởi”.

- Ngày 1/5/1964, nhân Ngày Quốc tế Lao động, Bác gửi điện khen ngợi thanh niên trên công trường khôi phục đường sắt Thanh Hóa - Vinh, trong đó có việc xây lại Cầu Hàm Rồng.

- Tối ngày 1/5/1966, sau buổi xem Đoàn Văn công tỉnh Quảng Bình từ tuyến lửa về biểu diễn trong Phủ Chủ tịch, Bác bày tỏ cảm tưởng: “Nhân dân ta thật anh hùng. Chiến đấu ác liệt như thế, gian khổ như thế mà vẫn lạc quan ca hát. Một dân tộc như thế thì không một thế lực hung bạo nào có thể khuất phục được”.

      Kể từ sau năm 1975, kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 ở Việt Nam ngày càng có ý nghĩa khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm Ngày Chiến thắng 30/4. Đây là dịp giai cấp công nhân và nhân dân lao động cả nước ôn lại truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm; sôi nổi hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước để bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn sâu sắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta. Người đã có công lao rất to lớn giúp nhân dân ta ý thức được ý nghĩa lịch sử và tác động của việc kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5, từ đó càng thêm quyết tâm đi theo con đường cách mạng do Đảng và Bác kính yêu đã lựa chọn, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

 
Các tin khác
NHẬN XÉT BẠN ĐỌC
(Chưa có ý kiến nào được viết)
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hóa, Thông tin,Thể Thao và Du lịch
Bản quyền thuộc: Thư viện tỉnh Bạc Liêu. Địa chỉ: Khu Trung Tâm Hành Chính tỉnh. phường 1 TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Tel: 84-0291.6558278;
Giấy phép đăng ký số: 222/GP-TTĐT
 Email: thuvienbl@yahoo.com.vn
Website: http://www.thuvienbaclieu.org.vn
-----------------------------------