Menu trái
Liên kết website
Tra cứu từ điển
 
Thống kê truy cập
Tổng số truy cập: 1.366.769
Hôm nay: 158
Đang xem: 148
TRUNG TƯỚNG ĐỒNG SĨ NGUYÊN VỚI CẢ CUỘC ĐỜI (01/03/2023)

      Thế kỷ XX của lịch sử dân tộc, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, hào hùng, nhiều gian khổ hy sinh nhưng ngập tràn niềm tự hào thiêng liêng Tổ quốc là giai đoạn đấu tranh giải phóng, thống nhất đất nước, bởi trong thời kỳ này đã xuất hiện nhiều anh hùng, chứng nhân lịch sử, góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung. Quê hương giàu truyền thống anh hùng, sản sinh ra những người con anh hùng. Làng Trung Thôn, xã Quảng Trung, phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình là một trong hàng ngàn, vạn những địa danh, quê hương như thế. Nơi đây, ngày 1 tháng 3 năm 1923, Nguyễn Hữu Vũ ra đời. Sau này, khi lớn lên tham gia hoạt động cách mạng, ông mang tên mới gắn liền với những nhiệm vụ to lớn được Đảng, Bác Hồ giao cho trong quân đội và thời bình. Ông là Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên. Viết về ông đã có rất nhiều bài báo, truyện ký, thơ ca. Mọi tác phẩm khi đó mang dấu ấn nghệ thuật và cảm xúc của người viết, chưa thể phản ánh hết những sự kiện chính cuộc đời của một vị tướng tài ba của quân đội. Với tập hồi ký do chính ông khi đã 85 tuổi đời, 69 năm tuổi Đảng, “để ra hơn một năm, suy nghĩ lần theo những trang nhật ký, ghi chép lại những sự việc và con người chính và nhờ cây bút quân đội – Đại tá Nguyễn Duy Tường thể hiện, chỉnh lý công phu, đặc biệt về mặt văn học” (Lời ngỏ của TG) đã mang lại cho bạn đọc những thông tin hữu ích, chọn lọc và giá trị lịch sử không chỉ về cuộc đời của ông và quê hươmg Quảng Bình mà chấm phá cả những nét vàng son trong những trang lịch sử đất nước, hiện thực cuộc sống được tái hiện từ chiến tranh giải phóng đến thời kỳ hòa bình, đối mới và phát triển. Tập hồi ký có tên Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên với cả cuộc đời, được nhà xuất bản Văn học phối hợp nhà sách Thăng Long tái bản năm 2013.  Sách dày 524 trang, ảnh tư liệu.

          Tập hồi ký có hai nội dung: Cuộc đời và bước đường tham gia cách mạng, Với cả cuộc đời. Trong nội dung đầu, Giới thiệu quê hương, gia đình Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên; Những giai đoạn chính cuộc đời ông và trọng trách Đảng và Bác Hồ giao phó: Thời kỳ tham gia quân đội, Gắn bó với đường Trường Sơn, Thời kỳ chuyển sang ngạch dân sự. Trọng tâm tập hồi ký được trình bày trong phần Với cả cuộc đời. Trong phần này có cả thảy 14 chương. Trải dài mọi sự kiện chính cả cuộc đời Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên trên mọi chức trách, nhiệm vụ được Đảng, Bác Hồ phân công, giao phó. Có thể kể: Tuổi thơ và những ngày đầu theo Đảng; Những ngày xa xứ hoạt động ở Thái Lan và Lào; Tháng Tám mùa thu cácch mạng; Xây dựng chính quyền và chế độ mới; Trưởng thành trong chiến tranh du kích; Tham gia những chiến dịch lớn, rèn luyện trong chiến tranh chính quy; Chính ủy quân khu 4, Tư lệnh kiêm Chính ủy mặt trận Trung – Hạ Lào; Chủ nhiệm tổng cục hậu cần tiền phương; Tư lệnh chiến trường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục xây dựng kinh tế, Bộ trưởng Bộ xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; Với những cánh rừng và con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa mang tên Bác với chương trình 327 “ vì lợi ích mười năm”.

          Đọc từng nội dung chương phần, bạn đọc nhận được hình ảnh vị tướng gần gũi với đồng chí, cán bộ, chiến sĩ, bạn bè, quê hương và thân tộc; tận tụy, đau đáu với những nhiệm vụ, trọng trách đảm nhận trên mặt trận chiến trường cũng như thời bình. Nhiều dòng hồi ký đậm chất Đồng Sĩ Nguyên thẳng tính mà dạt dào tình cảm. Như lúc ông bị thương nặng tại mặt trận Hạ Lào: “Điều trị tại bệnh viện mà lòng dạ cử để ở chiến trường…Tôi luôn sống trong tâm trạng day dứt của một người lính chưa hoàn thành nhiệm vụ, còn mang nợ với chiến trường” (trang 255), lúc thăm hai cô con gái nhỏ đang sơ tán tại Sơn Tây, hay những buổi giao ban, đốn tiếp và chia tay các đồng chí, cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận Trường Sơn hùng vĩ…Lịch sử năm tháng hào hùng, đầy gian khổ, mất mác, hy sinh được tái hiện qua những trang hồi ký. Những hình ảnh của thời kỳ hòa bình, xây dựng, giai đoạn đầu đổi mới và phát triển đất nước được tái hiện sinh động và có giá trị thực tiễn đối với thế hệ trẻ hiện nay.

          Tập hồi ký là tâm huyết của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, thể hiện rõ sự chân tình và yêu thương đối với đồng chí, đồng bào, bạn bè và tình nghĩa với Đảng, với Tổ quốc, Quân đội. Đoạn cuối Thay lời kết, ông viết: “Toàn bộ sự nghiệp với trọn cuộc đời hiện lên như một bộ phim nhiều tập, nhiều trường đoạn với những khuôn hình, tập hợp biết bao con người gần gũi, quý mến, thân thương. Xin cảm ơn cuộc đời,cảm ơn tất cả mọi người đã từng tiếp xúc, thắp sáng trong tôi niềm tin vào lẽ sống, đã giúp đỡ, cộng tác cùng tôi vì lý tưởng của Đảng, vì cuộc sống tốt đẹp hôm nay và ngày mai của nhân dân.” Là lời chân tình, cảm động của một vị tướng có công đóng góp vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của thế kỷ XX

Kết thúc bài viết, mượn lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết về ông, như phản ánh phần nào sự cao cả, tình cảm con người của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên: “Đối với tôi tướng Đồng Sĩ Nguyên là một trong những người đồng chí, người bạn chiến đấu thân thiết gần gũi suốt cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc mà tôi rất tin và quý mến”. Là lời tri ân của thế hệ sau khi hướng về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên (01/03/1923 – 01/03/2023).

Sách tại phòng đọc: DVV.032813

Sách tại phòng mượn: MVV.050598

Thư viện tỉnh Bạc Liêu trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc

                                                                                                                    Kim Bạ

 
Các tin khác
NHẬN XÉT BẠN ĐỌC
(Chưa có ý kiến nào được viết)
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hóa, Thông tin,Thể Thao và Du lịch
Bản quyền thuộc: Thư viện tỉnh Bạc Liêu. Địa chỉ: Khu Trung Tâm Hành Chính tỉnh. phường 1 TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Tel: 84-0291.6558278;
Giấy phép đăng ký số: 222/GP-TTĐT
 Email: thuvienbl@yahoo.com.vn
Website: http://www.thuvienbaclieu.org.vn
-----------------------------------