Chuyên đề 1:
Cảm nhận về câu nói “Dĩ bất biến ứng vạn biến”
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Mục đích bất di bất dịch của ta vẫn là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt”. (Trích Tập 8, Hồ Chí Minh Toàn tập, xuất bản lần thứ ba, tr 555)
Câu nói này đã thể hiện rõ tư tưởng “Dĩ bất biến ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vậy thế nào là “Dĩ bất biến ứng vạn biến”?
“Dĩ bất biến ứng vạn biến”, chỉ mối quan hệ giữa bất biến và vạn biến, giữa cái không thay đổi và cái thay đổi, giữa bản thể và hiện tượng, giữa cái nhất (cái một) và cái đa (cái nhiều),... là vấn đề trung tâm của triết học xuyên suốt từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Chúng ta có thể hiểu “Dĩ bất biến ứng vạn biến” tức là lấy cái bất biến (không thay đổi) mà ứng phó với cái vạn biến (cái luôn thay đổi). Ý nghĩa triết lý trên là ở chỗ dù mọi sự vật hiện tượng thiên sai vạn biệt, phong phú, đa dạng, thay đổi khôn lường nhưng đều xoay quanh trục của nó, đó là bản thể. Và trong mối quan hệ giữa bản thể và hiện tượng thì bản thể là bất biến, không sinh không diệt; còn các hiện tượng biến chuyển không ngừng nay còn mai mất.
Với Hồ Chí Minh, vì Tổ quốc, vì dân tộc thì bất biến là gì? Một số nhà nghiên cứu cho rằng cái bất biến ở Hồ Chí Minh chỉ có ba, đó là độc lập, tự do, hạnh phúc. Điều này thể hiện qua câu nói Bác lúc ra đi tìm đường cứu nước: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta hoàn toàn được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” Và Triết lý "Dĩ bất biến ứng vạn biến" của Bác ở trong câu chuyện trên cũng có nghĩa là lấy cái bất biến (cái không thay đổi) ứng phó với cái vạn biến (cái thay đổi); tuy nhiên ứng phó với cái vạn biến nhưng không xa rời, vứt bỏ, đánh mất cái bất biến. Hoàn cảnh luôn thay đổi, cuộc sống cũng như sự nghiệp cách mạng luôn thay đổi, phát triển, bởi vậy, sách lược trong từng lĩnh vực cụ thể cũng phải mềm dẻo, uyển chuyển, thay đổi (cái vạn biến). Nhưng dù có mềm dẻo, uyển chuyển, thay đổi như thế nào đi chăng nữa cũng không được quên mục đích cuối cùng (cái bất biến), bởi nếu không sẽ dễ bị lạc vào cái mê cung, rừng rậm của vạn biến, cái vụn vặt mà không biết đường ra. Đó là cái nhìn toàn cảnh có tính chất vĩ mô đối với cách mạng cả nước. Dĩ nhiên, nếu đi sâu vào từng lĩnh vực, phạm vi nhỏ hơn lại xuất hiện những cái "bất biến" và "vạn biến" ở cấp độ nhỏ hơn, trong phạm vi hẹp hơn. Từ đó ta có cách nhìn nhận, đánh giá một cách biện chứng, mềm dẻo, uyển chuyển; nhưng những cái "bất biến" nhỏ này đều phải hướng đến cái "bất biến" lớn nhất mà ta đã nói ở trên.
Theo GS-TS Võ Văn Sen nhận định về câu nói “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Bác. Trong cuộc Cách mạng Tháng Tám, điều quan trọng nhất là giành chính quyền. Từ đó xác định đâu là kẻ địch chủ yếu trước mắt. Khi Nhật mới vào Đông Dương năm 1940, liên minh với Pháp thì kẻ địch của Việt Minh là cả phát xít Nhật và thực dân Pháp. Tuy nhiên sau khi Nhật đảo chính Pháp vào 9-3-1945 thì cách mạng tập trung đấu tranh với phát xít Nhật.
Sau Cách mạng Tháng Tám đến tháng 12-1946, tình hình vô cùng đặc biệt. Đất nước ta phải cùng một lúc chống Anh, Pháp, Mỹ, Tưởng Giới Thạch. Tưởng vào phía Bắc, đi sau Tưởng là sự ủng hộ của Mỹ. Phía Nam là thực dân Pháp và thực dân Anh ủng hộ thực dân Pháp.
Dĩ bất biến là làm sao giữ được độc lập dân tộc. Điều này đòi hỏi phải hết sức quyền biến. Trước ngày 6-3-1946, chúng ta hòa với Tưởng ở phía Bắc, chống Pháp ở phía Nam. Trong bối cảnh lực lượng cách mạng còn yếu, nếu cùng lúc chống nhiều kẻ thù thì sẽ thất bại, đây là ứng xử hợp lý.
Nhìn chung, với Bác, cái “vạn biến” là khả năng ứng phó linh hoạt, mềm dẻo để phục vụ mục tiêu “bất biến”, cao nhất là cách mạng. Những tháng đầu năm 1946 có quá nhiều gian nguy cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn non trẻ, có bao nhiêu biến động của “thù trong giặc ngoài”, khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ phải căng sức ra đối phó, chống đỡ - đó là “vạn biến”. Xét lại vấn đề trên toàn cục bối cảnh ấy sẽ thấy tư tưởng “dĩ bất biến ứng vạn biến” của Người là một di sản quý báu.
Qua câu chuyện này bản thân rút ra được bài học là khi giải quyết một công việc, một vấn đề cần phải giữ vững nguyên tắc đã đặt ra, tuy nhiên những phương pháp, cách thức xử lý công việc, hay vấn đề đó có thể linh hoạt, uyển chuyển, đồng thời tránh sự cứng nhắc, máy móc.
Trang web tham khảo:
https://tuyengiao.vn/tuyen-truyen/tu-triet-ly-di-bat-bien-ung-van-bien-den-triet-ly-hanh-dong-ho-chi-minh-15407
https://plo.vn/bai-hoc-di-bat-bien-ung-van-bien-tu-quoc-khanh-2-9-post696591.html
https://baoquocte.vn/di-bat-bien-ung-van-bien-trong-ngoai-giao-viet-nam-tu-tu-tuong-den-hanh-dong-199197.html
https://plo.vn/bai-hoc-di-bat-bien-ung-van-bien-tu-quoc-khanh-2-9-post696591.html
Chuyên đề 2
07 điểm mới nổi bật của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022
Bổ sung nội dung về tác giả, đồng tác giả, quyền nhân thân của tác giả; Thay đổi trong hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan;... là những điểm mới nổi bật của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022, có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.
1. Sửa đổi, bổ sung một số thuật ngữ trong Luật Sở hữu trí tuệ
Theo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022, đã thay đổi một số từ ngữ sau đây:
- Tác phẩm phái sinh là tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có thông qua việc dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, phóng tác, biên soạn, chú giải, tuyển chọn, cải biên, chuyển thể nhạc và các chuyển thể khác.
(Hiện hành, tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn)
- Tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố là tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã được phát hành với sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan để phổ biến đến công chúng bản sao dưới bất kỳ hình thức nào với số lượng hợp lý.
(So với hiện hành, thay bổ sung cụm từ hình thức của bản sao là bất kỳ hình thức nào)
- Sao chép là việc tạo ra bản sao của toàn bộ hoặc một phần tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.
(So với hiện hành, không còn quy định một hay nhiều bản sao, thay vào đó bổ sung quy định đối với việc tạo ra toàn bộ hoặc một phần tác phẩm; không còn quy định cụ thể bao gồm hình thức điện tử)
- Tiền bản quyền là khoản tiền trả cho việc sáng tạo hoặc chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, bao gồm cả tiền nhuận bút, tiền thù lao. (Điểm mới)
- Biện pháp công nghệ bảo vệ quyền là biện pháp sử dụng bất kỳ kỹ thuật, công nghệ, thiết bị hoặc linh kiện nào trong quá trình hoạt động bình thường có chức năng chính nhằm bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan đối với hành vi được thực hiện mà không được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan. (Điểm mới)
- Biện pháp công nghệ hữu hiệu là biện pháp công nghệ bảo vệ quyền mà chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan kiểm soát việc sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa thông qua các ứng dụng kiểm soát truy cập, quy trình bảo vệ hoặc cơ chế kiểm soát sao chép. (Điểm mới)
- Thông tin quản lý quyền là thông tin xác định về tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa; về tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan và các điều kiện khai thác, sử dụng; số hiệu, mã số thể hiện các thông tin nêu trên. Thông tin quản lý quyền phải gắn liền với bản sao hoặc xuất hiện đồng thời với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng khi tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được truyền đến công chúng. (Điểm mới)
- Truyền đạt đến công chúng là việc truyền đến công chúng tác phẩm; âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn; âm thanh, hình ảnh hoặc sự tái hiện của âm thanh, hình ảnh được định hình trong bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện nào ngoài phát sóng. (Điểm mới)
- Sáng chế mật là sáng chế được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định là bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. (Điểm mới)
- Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp.
(Hiện hành, kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này)
- Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam.”;
(So với hiện hành, thay “người tiêu dùng” bằng “bộ phận công chúng có liên quan”)
- Chỉ dẫn địa lý đồng âm là các chỉ dẫn địa lý có cách phát âm hoặc cách viết trùng nhau. (Điểm mới)
2. Bổ sung nội dung về tác giả, đồng tác giả
Tại Điều 12a Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bởi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định tác giả, đồng tác giả như sau:
- Tác giả là người trực tiếp sáng tạo tác phẩm.
(So với Nghị định 22/2018/NĐ-CP, quy định không còn quy định tác giả là người tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm; không còn quy định rõ tác phẩm là tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học)
Trường hợp có từ hai người trở lên cùng trực tiếp sáng tạo tác phẩm với chủ ý là sự đóng góp của họ được kết hợp thành một tổng thể hoàn chỉnh thì những người đó là các đồng tác giả.
(So với hiện hành tại Nghị định 22/2018/NĐ-CP, quy định đồng tác giả là những tác giả cùng trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học)
- Người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo tác phẩm không phải là tác giả, đồng tác giả.
- Việc thực hiện quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm có đồng tác giả phải có sự thỏa thuận của các đồng tác giả, trừ trường hợp tác phẩm có phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập mà không làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác hoặc luật khác có quy định khác. (Điểm mới).
3. Bổ sung quyền nhân thân của tác giả
Tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bởi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định quyền nhân thân của tác giả như sau:
Cụ thể, quyền nhân thân của tác giả bao gồm:
- Đặt tên cho tác phẩm.
Tác giả có quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005; (Điểm mới)
- Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm;
Được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
- Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
- Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc;
Không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
4. Bổ sung các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả
Tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bởi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả như sau:
- Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền nhưng phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm bao gồm:
+ Tự sao chép một bản để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại. Quy định này không áp dụng trong trường hợp sao chép bằng thiết bị sao chép;
(So với hiện hành, bổ sung trường hợp dùng cho học tập; bổ sung yêu cầu các trường trên phải không nhằm mục đích thương mại; bổ sung trường hợp loại trừ)
+ Sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại; (Điểm mới)
+ Sử dụng hợp lý tác phẩm để minh họa trong bài giảng, ấn phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng nhằm mục đích giảng dạy. Việc sử dụng này có thể bao gồm việc cung cấp trong mạng máy tính nội bộ với điều kiện phải có các biện pháp kỹ thuật để bảo đảm chỉ người học và người dạy trong buổi học đó có thể tiếp cận tác phẩm này;
+ Sử dụng tác phẩm trong hoạt động công vụ của cơ quan nhà nước; (Điểm mới)
+ Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận, giới thiệu hoặc minh họa trong tác phẩm của mình;
Để viết báo, sử dụng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát sóng, phim tài liệu;
+ Sử dụng tác phẩm trong hoạt động thư viện không nhằm mục đích thương mại, bao gồm:
Sao chép tác phẩm lưu trữ trong thư viện để bảo quản, với điều kiện bản sao này phải được đánh dấu là bản sao lưu trữ và giới hạn đối tượng tiếp cận theo quy định của pháp luật về thư viện, lưu trữ;
Sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép cho người khác phục vụ nghiên cứu, học tập;
Sao chép hoặc truyền tác phẩm được lưu giữ để sử dụng liên thông thư viện thông qua mạng máy tính, với điều kiện:
Số lượng người đọc tại cùng một thời điểm không vượt quá số lượng bản sao của tác phẩm do các thư viện nói trên nắm giữ, trừ trường hợp được chủ sở hữu quyền cho phép và không áp dụng trong trường hợp tác phẩm đã được cung cấp trên thị trường dưới dạng kỹ thuật số;
(Bổ sung quy định đối với số lượng người đọc tại cùng một thời điểm)
+ Biểu diễn tác phẩm sân khấu, âm nhạc, múa và các loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hóa, hoạt động tuyên truyền cổ động không nhằm mục đích thương mại;
+ Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm mỹ thuật, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó, không nhằm mục đích thương mại;
+ Nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng cá nhân, không nhằm mục đích thương mại;
+ Sao chép bằng cách đăng tải lại trên báo, ấn phẩm định kỳ, phát sóng hoặc các hình thức truyền thông khác tới công chúng bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác được trình bày trước công chúng trong phạm vi phù hợp với mục đích thông tin thời sự, trừ trường hợp tác giả tuyên bố giữ bản quyền; (Điểm mới)
+ Chụp ảnh, ghi âm, ghi hình, phát sóng sự kiện nhằm mục đích đưa tin thời sự, trong đó có sử dụng tác phẩm được nghe thấy, nhìn thấy trong sự kiện đó;
(So với hiện hành, bổ sung hành vi chụp ảnh)
+ Người khuyết tật nhìn, người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in và người khuyết tật khác không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường (sau đây gọi là người khuyết tật), người nuôi dưỡng, chăm sóc cho người khuyết tật, tổ chức đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ sử dụng tác phẩm theo quy định tại Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
- Việc sử dụng tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này không được mâu thuẫn với việc khai thác bình thường tác phẩm và không gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
- Việc sao chép quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với tác phẩm kiến trúc, tác phẩm mỹ thuật, chương trình máy tính; việc làm tuyển tập, hợp tuyển các tác phẩm.
5. Thay đổi trong hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan (lượt bớt)
Căn cứ khoản 2 Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bởi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định về hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan như sau:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan.
+ Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt có đầy đủ thông tin về người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan;
+ Thời gian hoàn thành; (Điểm mới)
+ Tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng;
+ Tên tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh;
+ Thời gian, địa điểm, hình thức công bố;
+ Thông tin về cấp lại, cấp đổi (nếu có), cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong tờ khai.
(So với hiện hành, thêm thông tin về cấp lại, cấp đổi)
+ Tờ khai do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ký tên hoặc điểm chỉ, trừ trường hợp không có khả năng về thể chất để ký tên hoặc điểm chỉ. (Điểm mới)
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan;
6. Bổ sung hình thức nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả
Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan theo cách thức trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc qua Cổng dịch vụ công trực tuyến cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan.
7. Bổ sung quyền đăng ký là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước
- Đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước, quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 86a Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
- Đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có một phần ngân sách nhà nước, phần quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách nhà nước được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 86a Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.


NGHỊ ĐỊNH (Số 99/2022/NĐ-CP)
VỀ ĐĂNG KÝ BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM
Chương I : QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tài sản (sau đây gọi là biện pháp bảo đảm); quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Điều 4. Các trường hợp đăng ký
1. Các trường hợp đăng ký bao gồm:
a) Đăng ký thế chấp tài sản, cầm cố tài sản, bảo lưu quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan;
b) Đăng ký theo thỏa thuận giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm hoặc theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm, trừ cầm giữ tài sản;
c) Đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ mà có nhiều bên cùng nhận bảo đảm hoặc trong trường hợp bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có thỏa thuận;
d) Đăng ký thay đổi nội dung đã được đăng ký (sau đây gọi là đăng ký thay đổi); xóa đăng ký nội dung đã được đăng ký (sau đây gọi là xóa đăng ký) đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này.
2. Việc đăng ký được thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền đăng ký quy định tại Điều 10 Nghị định này.
Điều 5. Nguyên tắc đăng ký, cung cấp thông tin
1. Người yêu cầu đăng ký phải kê khai trung thực và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin kê khai.
2. Cơ quan đăng ký phải thực hiện đúng thẩm quyền, nhiệm vụ, căn cứ, thủ tục và thời hạn; không làm phát sinh thủ tục khác với quy định của Nghị định này; không yêu cầu nộp thêm bất cứ giấy tờ nào hoặc không yêu cầu kê khai thêm bất cứ thông tin nào mà Nghị định này không quy định trong hồ sơ đăng ký; không yêu cầu sửa lại tên hợp đồng bảo đảm, nội dung thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm. Cơ quan đăng ký phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp vi phạm nguyên tắc này.
Điều 8. Người yêu cầu đăng ký, người yêu cầu cung cấp thông tin
1. Người yêu cầu đăng ký bao gồm bên nhận bảo đảm, bên bảo đảm; Quản tài viên; doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán cho người khác vay tài sản nhưng không thực hiện việc đăng ký (sau đây gọi là doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản).
Điều 9. Quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu đăng ký, của người yêu cầu cung cấp thông tin
1. Quyền của người yêu cầu đăng ký, của người yêu cầu cung cấp thông tin:
a) Nhận kết quả đăng ký, kết quả cung cấp thông tin; kiểm tra, đối chiếu thông tin được đăng ký, được cung cấp; đề nghị cơ quan đăng ký quy định tại khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 5 Điều 10 Nghị định này cấp bản sao văn bản chứng nhận đăng ký đối với trường hợp đăng ký thuộc thẩm quyền của cơ quan này;
b) Đề nghị cơ quan đăng ký trả lời bằng văn bản về việc từ chối đăng ký, từ chối hủy đăng ký, từ chối khôi phục việc đăng ký đã bị hủy hoặc từ chối cung cấp thông tin theo đúng quy định tại các điều 15, 18, 20, 21 hoặc 51 Nghị định này;
c) Yêu cầu cơ quan đăng ký chỉnh lý thông tin có sai sót trong nội dung đã được đăng ký do lỗi của cơ quan đăng ký hoặc yêu cầu đăng ký thay đổi thông tin có sai sót do lỗi của người yêu cầu đăng ký;
d) Sử dụng kết quả đăng ký, kết quả cung cấp thông tin để thực hiện quyền, nghĩa vụ hợp pháp của mình tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự;
đ) Được miễn nghĩa vụ nộp phí, thanh toán giá dịch vụ, nghĩa vụ thanh toán khác trong trường hợp pháp luật về phí, lệ phí, pháp luật về giá, pháp luật khác có liên quan có quy định;
e) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật liên quan trong trường hợp cơ quan đăng ký từ chối đăng ký, từ chối hủy đăng ký, từ chối khôi phục việc đăng ký đã bị hủy, từ chối cung cấp thông tin quy định tại điểm b khoản này hoặc từ chối thực hiện miễn nghĩa vụ nộp phí, thanh toán giá dịch vụ, nghĩa vụ thanh toán khác quy định tại điểm đ khoản này; đăng ký thay đổi, xóa đăng ký, hủy đăng ký hoặc khôi phục việc đăng ký đã bị hủy không có căn cứ quy định tại Nghị định này.
2. Nghĩa vụ của người yêu cầu đăng ký, của người yêu cầu cung cấp thông tin:
a) Kê khai, cung cấp trung thực, đầy đủ, chính xác về thông tin thuộc Phiếu yêu cầu đăng ký, Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin và phải chịu trách nhiệm về thông tin này; chịu trách nhiệm về tên hợp đồng bảo đảm, nội dung thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm, giấy tờ, tài liệu khác trong hồ sơ đăng ký;
b) Nộp phí, thanh toán giá dịch vụ, nghĩa vụ thanh toán khác theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí, pháp luật về giá, pháp luật khác có liên quan; thanh toán phí chuyển khoản, phí sử dụng dịch vụ thanh toán khác không bằng tiền mặt (nếu có) trong trường hợp thực hiện việc nộp phí, giá dịch vụ, nghĩa vụ thanh toán khác bằng thanh toán không dùng tiền mặt; thanh toán cước phí dịch vụ bưu chính trong trường hợp hồ sơ đăng ký, giấy tờ, tài liệu, kết quả đăng ký, bản sao văn bản chứng nhận đăng ký, kết quả cung cấp thông tin được chuyển, trả thông qua dịch vụ bưu chính; thanh toán chi phí trong trường hợp trả kết quả đăng ký, bản sao văn bản chứng nhận đăng ký, kết quả cung cấp thông tin qua cách thức khác theo thỏa thuận giữa cơ quan đăng ký và người yêu cầu đăng ký, người yêu cầu cung cấp thông tin quy định tại khoản 1, điểm c khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 51 Nghị định này; cung cấp giấy tờ, tài liệu chứng minh thuộc trường hợp được miễn nghĩa vụ nộp phí, thanh toán giá dịch vụ, nghĩa vụ thanh toán khác quy định tại điểm đ khoản 1 và khoản 3 Điều này;
c) Chịu trách nhiệm về hành vi của mình trong việc giả mạo tài liệu, chữ ký hoặc con dấu trong hồ sơ đăng ký;
d) Chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo căn cứ quy định tại Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan trong trường hợp thuộc điểm c khoản này hoặc trong trường hợp không thực hiện việc đăng ký khi có căn cứ quy định tại Nghị định này mà gây thiệt hại cho cơ quan đăng ký, cho tổ chức, cá nhân khác.
CHƯƠNG II: THỦ TỤC ĐĂNG KÝ BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM
CHƯƠNG III: CUNG CẤP THÔNG TIN VỀ BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM
CHƯƠNG IV: QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐĂNG KÝ BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM
( Do không có nhiều thời gian, các chương này mời các đ/c tham khảo thêm trong nghị định)
CHƯƠNG V: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 56. Hiệu lực thi hành
- Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 01 năm 2023, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
- Nghị định này thay thế Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm.